PHỎNG DỰNG TRANG PHỤC THỜI LÊ TRUNG HƯNG DỰA TRÊN TƯỢNG HẬU PHẬT TỪ KHOAN CẨN NHÂN THẠCH QUÝ THỊ
Tượng hậu phật và phần văn bia có niên đại năm thứ 15 niên hiệu Vĩnh Thịnh (Công lịch 1719) đời vua Lê Dụ Tông. Dựa trên nội dung minh văn, vị hậu phật được thờ tại chùa Nành - Pháp Vân tự (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) vốn là mẹ thân sinh của Ninh Thọ hầu, bia đề Thạch Quý thị, khuyết danh. Bà là vợ chính thất của Hiển cung đại phu Tuyên Quang xứ Tán trị thừa chánh sứ Tham nghị. Tham nghị là chức quan ở Thừa ty, hàm tòng Ngũ phẩm. Theo quy chế từ đời Hồng Đức về lệ truy phong và phong ấm thì phong hàm của vợ quan văn kém chồng 7 bậc. Vì thế bà được phong là Cẩn nhân (hàm tòng Cửu phẩm).
Bà là người đức độ, trong thì duy trì gia phong, nuôi dạy con cái nên người; ngoài thì đối xử nhân hậu với người dân; đối với người trong họ tộc thì bà kính trên nhường dưới, bởi vậy, khi Ninh Thọ hầu muốn bỏ tiền, quyên góp ruộng tốt để xin lập hậu phật thờ cúng ở chùa cho bà, các bậc kỳ lão tại địa phương đã đồng thuận, hằng năm thờ cúng bà Từ Khoan Cẩn nhân để hưởng sự báo đáp.
Tượng hậu phật được tạc đang ngồi theo tư thế bán kiết già trên đài sen. Về trang phục được khắc họa trên bức tượng hậu phật, bà Từ Khoan thượng thân mặc áo lót dạng viên lĩnh (áo cổ kiềng) có hoa văn chữ Vạn, hạ thể mặc váy quây với phần dải buộc trước ngực có cách thắt khá cầu kỳ, bên ngoài khoác áo trực lĩnh đối khâm, tóc thả xõa dài theo phong cách đặc trưng thời kỳ Lê Trung hưng và đội một dạng đầu sức khá sát với miêu tả của Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” về “khăn bát tiên”. Trên cổ bà Thạch Quý đeo một chuỗi hạt và một loại trang sức dạng kiềng có gắn châu ngọc đá quý.
Các thành phần trong bộ y phục: viên lĩnh lót, thường quây ngang ngực, lớp đối khâm với hoa văn dạng triền chi hoa, lớp đối khâm phủ ngoài thẫm màu thấu quang, mũ bao đính và trang sức.
Ngoài ra, trong “Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Giesù al Regno della Cocincina”, nhà truyền giáo người Ý Cristoforo Borri đã mô tả loại áo voan mặc phủ ngoài của người Việt thời Lê Trung hưng như sau:
“[...] portano poi sopra un velo, ma tanto fino, e sottile, che se bene con esso si coprono, tutto però traspare, rappresentando tutta questa compositura, con modesta sì, ma con altre tanto leggiadra gravità una fiorita, e gratiosa primavera.”
Tạm dịch:
"Họ mặc phủ ra ngoài một lần áo voan rất mỏng mà lại tinh tế, để mà khi họ đã che kín toàn thân bằng lớp áo đó, vẫn có thể nhìn thấu được ẩn dưới đó là những lớp áo và cấu kiện trang phục, nên vừa trông khiêm nhường, nhưng cũng toát lên vẻ trang trọng tao nhã như một mùa xuân kiều diễm và ngập sắc hoa."
Phần mũ được phỏng theo loại mũ “bao đính” được miêu tả trong “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ:
“Khi nhỏ ta thường thấy các bậc tiền bối nhàn cư đội một thứ mũ bao đính bằng mã vĩ, kiểu tròn mà đầu bằng, cao độ một thước, hoặc đội khăn bát tiên. Nhà sĩ thứ đội khăn bức cân và khăn bát tiên, hai thứ ấy đều không phải là công phục. Khăn bát tiên thì làm bằng đoạn hay bằng sa the, trên đỉnh có gài mấy hoa cúc, tết vòng quanh lên như thứ mũ trúc quan đời cổ, dải buộc vòng quanh trán, bỏ rũ về đàng sau, hai bên mang tai lại có rũ diềm, đó là phỏng theo lối khăn bao đính mà làm cho văn vẻ thêm.”
Đây là dạng đầu sức phổ biến ở các bậc trưởng giả thuộc tầng lớp trên thời Lê Trung hưng.
—————
Cảm ơn ảnh tư liệu tượng hậu phật chùa Nành của anh Hiếu Trần.
Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới chị Tuyết Nguyễn đã trợ giúp về mặt địa điểm chụp và cho phép đội ngũ ĐVPH sử dụng một số cổ vật thuộc bộ sưu tập cá nhân của chị vào bộ ảnh này.
Ảnh phỏng dựng và trang phục thuộc sở hữu của nhóm Đại Việt Phong Hoa. Vui lòng dẫn nguồn Đại Việt Phong Hoa và KHÔNG cắt xén logo, nội dung khi mang ảnh hoặc bài viết đi nơi khác.
—————
ĐỘI NGŨ THỰC HIỆN:
• Sản xuất nội dung: Nhóm Đại Việt Phong Hoa
• Nghiên cứu phục trang: Nhóm Đại Việt Phong Hoa
• Nhà may: Cổ Trang Đại Việt Quán
• Chế tác trang sức: Silver Soul Studio- Handmade in Vietnam
• Ảnh | Ánh sáng: Minh Đức
• Trợ lý chụp ảnh: Trương Yến Nhi
• Trang điểm: Bảo Ngọc
• Mẫu: Tuyết Nguyễn