Hàn phục
Trong lịch sử thì Hàn phục không có tên chung như thế, chỉ có tên mỗi loại áo quần như chima, jeogori, dangui, vân vân. Tên chỉ chung thường xuất hiện trên sách là y trang, y quan, phục trang, đều chỉ có ý nghĩa đơn thuần là quần áo.
Chỉ đến khi tiếp xúc với tây dương thì một tên chung mới xuất hiện, nhằm phân biệt giữa đồ tây và đồ Triều Tiên.
Bên Trung gọi trang phục Triều Tiên là Cao Li phục, ý chỉ thời Cao Li, còn gọi trang phục tộc Triều Tiên sống tại Trung Quốc là Triều Tiên dân tộc phục sức.
Sau khi bán đảo bị phân thành hai, bên bắc lấy tên Triều Tiên, nên gọi áo là áo Triều Tiên (Choson-ot), bên nam lấy tên Hàn (ý chỉ Tam Hàn thời Tam Quốc), nên gọi là Hàn phục. Thế nhưng, áo Triều Tiên chỉ nghĩa là áo nhà Triều Tiên, còn Hàn phục thì bao gồm cả mọi loại áo trong lịch sử trên bán đảo.
Hoà phục
Khi Nhật bắt đầu học tập trang phục Trung Quốc, họ gọi quần áo đó là Ngô phục, vì các vải vóc làm áo đều nhập khẩu từ nước Ngô. Đến hiện nay, vẫn còn rất nhiều nơi bán đồ Nhật có tên là Ngô phục điếm. Trong thường ngày, người Nhật chỉ gọi đồ họ là trước phục, tức kimono, với ý nghĩa là đồ mặc lên người, quần áo. Hiện nay, trước phục vừa có nghĩa là áo Nhật, vừa có nghĩa là quần áo (bao gồm đồ Tây).
Vào thời Minh Trị, khi Nhật bắt đầu thu nhập văn hoá Tây, từ Hoà phục xuất hiện để trái lập với Dương phục (dương ở đây chỉ tây dương, người phương tây). Hoà trong Hoà phục là tên dân tộc người Nhật (Yamato, Hán Việt là Đại Hoà, hoặc Wajin, Hán Việt là Hoà nhân).
Việt phục
Cũng như Hàn phục, Việt phục vào thời xưa không có tên chung, chỉ có tên cho mỗi loại quần áo như tứ thân, năm thân, quần, váy, áo dài, vân vân. Trong tư liệu chữ viết thì có y trang, y phục, phục trang, y quan, y thường, vân vân.
Đến khoảng tầm năm 2016-2017, từ Việt phục chỉ trang phục truyền thống lẫn cổ đại của dân tộc Kinh bắt đầu xuất hiện trên các diễn đàn cổ phong, nhằm để phân biệt giữa trang phục người Kinh và người Hán. Dần dần thì từ này đã và đang được phổ biến đến thời điểm hiện tại.
Hán phục
Văn hiến cổ nhất ghi nhận cụm từ Hán phục là trong lăng mộ Mã Vương Đôi thời nhà Hán. Trong lăng mộ có thẻ tre ghi "mĩ nhân tứ nhân, nhị nhân Sở phục, nhị nhân Hán phục", dịch là "bốn nàng mĩ nhân, hai nàng mặc áo Sở, hai nàng mặc áo Hán." Từ thời nhà Hán thì cụm từ Hán phục đã được sử dụng để phân biệt trang phục dân nhà Hán với các nước lân bang. Sau khi nhà Hán sụp đổ thì từ này biến nghĩa thành trang phục của dân tộc Hán. Đến thời Đường, Tống, Minh vẫn xuất hiện từ Hán phục để chỉ trang phục dân Hoa Hạ, nhằm phân biệt với các nước lân cận không cùng văn hoá.Vào thời nhà Liêu, trong nước có rất nhiều dân Hán, nên từ Hán phục được sử dụng để phân biệt giữa áo tộc Khiết Đan và tộc Hán, đồng thời cũng gọi y quan của hoàng tộc nhà Liêu là Hán phục, vì họ đã học tập y quan của nhà Đường.
Đến thời nhà Thanh, Hán phục bị phế, nhưng phụ nữ tộc Hán vẫn mặc Hán phục. Vào thời này, trang phục của tộc Hán, dù là học từ Mãn hay lưu lại từ nhà Minh, đều được gọi là Hán trang, tức trang phục tộc Hán.
Khi Hán phục vận động bắt đầu xảy ra tại Trung Quốc, đưa Hán phục thành y phục truyền thống chính thống của tộc Hán, cụm từ Hán phục được sử dụng rộng rãi để chỉ loại áo này, còn loại áo người Hán mặc vào thời nhà Thanh không được gọi là Hán phục, mà là Hán trang. Hán phục còn được gọi là Hoa phục, tức trang phục Hoa Hạ, nhưng sau khi nhà nước chính thức đặt ngày Hoa phục, từ Hoa phục được sử dụng để chỉ trang phục nước Trung Hoa, tức tất cả các trang phục của mọi dân tộc trong nước, bao gồm cả trang phục của tộc Triều Tiên và tộc Kinh tại TQ.
Nguồn:Kiet T Tran