Trong suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua các triều đại khác nhau, người Việt đã tạo được những dấu ấn, bản sắc riêng về mọi mặt trong đời sống xã hội. Và trang phục là một trong số những tinh hoa không thể không nhắc đến. Với thời cận đại, Triều Nguyễn là Vương Triều gần nhất để có thể hình dung được cốt cách trang phục làm nên 1 phần Văn hóa nước Nam ta.
1. ÁO
Theo những ghi chép còn sót lại, chiếc áo dài năm thân cổ đứng khuy cài xuất hiện vào năm 1744 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong. Giữa bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh (khoảng thế kỷ XVII, XVIII), vì muốn xây dựng một chính quyền độc lập với chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài nên Chúa Nguyễn đã tiến hành cải cách tổ chức bộ máy hành chính, lễ nhạc, y phục, .v.v. Dựa theo cuốn Tam tài đồ hội của Trung Hoa để chế ra loại trang phục riêng cho tầng lớp quan lại quý tộc, nhân dân Đàng Trong, và được tuân theo. Bên cạnh đó, chính quyền Lê – Trịnh vẫn giữ nguyên trang phục theo lối cũ.
Cho đến tận đầu thế kỷ XIX, vào năm 1802, Thế Tổ Cao Hoàng Đế – vua Gia Long thống nhất toàn bộ đất nước đã đặt lại quy chế mũ áo cho cả nước. Tuy nhiên, hầu hết người Bắc Hà vẫn giữ lối ăn vận xưa trừ quý tộc và quan lại, do đó đến tận năm 1835 – 1837, trong một chuyến kinh lý ra Bắc của vua Minh Mạng, vì chứng kiến thói ăn vận của miền Bắc mà vua chê là hủ lậu nên đã ra lệnh triệt để bắt dân chúng ở đây phải mặc áo dài. Khi người Pháp vào Việt Nam, chiếc áo dài năm thân đã được phổ biến rộng rãi trên cả nước.
Kỹ thuật may áo phụ thuộc vào kỹ thuật dệt vải. Thời xưa, do nhiều yếu tố về khung dệt, chất liệu,… Mà khổ vải dệt ra chỉ có độ dài từ 35 – 55 cm. Do đó để may được hoàn chỉnh một chiếc áo phủ kín thân, người thợ phải may liền các khổ vải với nhau, mỗi khổ vải như vậy gọi là một thân áo.
Áo dài truyền thống thời xưa được may bởi bốn khổ vải gọi là áo tứ thân, áo được ghép bởi năm khổ vải gọi là áo ngũ thân và còn nhiều các loại áo được ghép từ sáu đến chín khổ vải. Phần tay áo, vai và nách áo được áp dụng kỹ thuật may liền tay, phần nối tay nằm ở ngang bắp tay. Tay áo dài được gọi là tay áo chẽn (hay còn gọi là tay búp) ôm sát vào cổ tay.
Đối với mẫu áo dài cổ đứng khuy cài, theo như mô tả của người xưa thì cũng có những quy định như: cổ hình chữ khẩu (口 – cổ vuông đứng) hay còn gọi là trực lĩnh, đường khuy áo hình chữ quảng (广). Đường khuy áo gồm có năm khuy (một khuy nằm ở cổ; một nằm ở bả vai phải, cách cổ 10cm; ba khuy cuối cùng nằm ở bên hông. Đường tà áo hình chữ bát (八 – tà xòe). Tà áo có độ sa, tà trước dài hơn tà sau khoảng 15cm. Chiều dài của tà áo thường chỉ quá gối, cũng có những thay đổi phù hợp với từng miền nhưng chiều dài này không chạm đến mắt cá chân. Cổ áo nam cao hơn và đứng dáng hơn so với cổ áo của nữ (cổ áo của nam cao khoảng 3 – 4cm, cổ áo của nữ cao khoảng 2 – 3cm).
Theo Cổ Nhân truyền tại, đã là người thanh-niên từ 16 tuổi là phải có 1 bộ khăn áo đen chỉnh tề. Mặc áo dài khăn đen nhắc nhở thái độ khoan thai nghiêm chỉnh, không thể lăng xăng nói năng lỗ mãng...
Người xưa, hễ làm việc gì cũng đều có ý-nghĩa và có Dịch-lý. Bộ Áo-dài đàn ông thường-phục xưa thông thường phải theo quy luật:
- Áo-dài được may thể áo Kép - là Áo có lót bên trong vải Tố màu trắng, hoặc có người chọn lót vải gấm màu sặc sỡ bên trong, để thêm trang-trọng và đứng áo. Vì người xưa quan niệm: Những gì sáng láng nhất, sặc sỡ nhất thì ẩn bên trong mới hay, mới quý. Và đó cũng là cái duyên của Áo-dài xưa.
- Áo dài may Ngũ-thân (5 miếng vải ráp lại) - tượng trưng cho Ngũ-hành (Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ). 金 土水 火 木
- Áo may đậu sống lưng chánh giữa - tượng trưng cho song-thân phụ mẫu. (phải nhớ tới song-thân khi mang cái áo này, cho hình hài này)
- Năm cúc áo - tượng trưng cho 5 đức tính của Nho-giáo: Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín. 仁禮義智信
- Tà áo trong có 2 sợi dây, gọi là dây Tương-Sinh. Hay còn gọi là dây Âm-Dương. Khi mặc vào, cột 2 dây lại cốt để khi ngồi cho tà áo trong không bị lòi ra. Và 2 dây cột lại cũng có ý nghĩa là Âm-dương hòa hiệp hóa sanh vạn-vật trong càn-khôn vũ-trụ.
- Tà áo trước vạc hình tròn, phía sau vạc hình vuông, trượng trưng cho Trời-Đất (quẻ Càn ☰ 乾), (quẻ Khôn ☷ 坤).
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có trang phục truyền thống mà chỉ cần nhìn cách phục sức của họ, chúng ta có thể nhận biết họ thuộc quốc gia nào, thể hiện bản sắc văn hóa ra sao? Nếu người Nhật Bản có Kimono, người Hàn Quốc có Hanbok… thì người Việt Nam lại hãnh diện khi mang trên mình chiếc Áo dài. Theo dòng chảy của lịch sử, chiếc Áo dài đã có nhiều thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn của xã hội. Thế nhưng, dẫu thay đổi thế nào đi chăng nữa, áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.
2. KHĂN
Thiên Quan nghĩa trong Kinh Lễ có câu: “Phàm người mà có thể là người cho đúng nghĩa là nhờ lễ nghĩa, mà mở đầu của lễ nghĩa là ở dung thể được đoan chính, nhan sắc được trang nghiêm, lời nói được cung thuận. Dung thể đoan chính, nhan sắc trang nghiêm, lời nói cung thuận thì sau lễ nghĩa mới đầy đủ, để chính đạo vua tôi, thân đạo cha con, hòa đạo lớn nhỏ. Đạo vua tôi chính, đạo cha con thân, đạo lớn nhỏ hòa rồi sau lễ nghĩa mới lập. Cho nên đội mũ rồi sau trang phục mới đầy đủ, trang phục đầy đủ rồi sau dung thể mới đoan chính, nhan sắc mới trang nghiêm, lời nói mới cung thuận. Cho nên nói rằng lễ đội mũ là mở đầu của lễ, vì thế thánh vương thời cổ rất coi trọng lễ đội mũ”.
Khăn xếp được coi như là một phụ kiện của áo năm thân thời Nguyễn. Khăn xếp là đặc trưng của nhà Nguyễn, cùng với “áo the” làm nên ấn tượng sâu đậm của người Việt ngày nay khi nghĩ đến trang phục truyền thống của cha ông. Tên gọi khăn xếp/ khăn lượt có lẽ xuất phát từ cách vấn khăn, các vòng nối tiếp từng lượt một xếp chồng lên nhau.
Dựa theo những tư liệu tranh ảnh đầu tk 20, khăn xếp thường đi cùng với áo dài ngũ thân tay chẽn với vai trò là bộ tiện phục mặc thường ngày, được sử dụng rộng rãi từ vua quan đến bình dân. Có lúc người xưa mặc áo tấc, đội khăn xếp như một bộ trang phục công vụ hoặc lễ phục dùng trong những nghi lễ tại gia đình và làng xã. Một số hình ảnh để lại cho thấy cũng có khi khăn xếp được đi cùng chiếc áo giao lĩnh.
Khăn lượt thường là màu đen, vì Người xưa quan điểm vào đời "hỗn mang chi sơ, vị phân thiên địa", lúc đó cái đại thể của vũ trụ còn mờ mờ mịt mịt, tăm tối chỉ một màu đen huyền mờ tối vậy. Từ khi phân định trời tròn, đất vuông, người xưa cũng dựa trên sự căn bản đó mà làm ra cái khăn vấn xưa thường lấy màu đen làm trọng, cái màu ban sơ của vũ-trụ, cái màu đó có thể chứa chấp, dung hòa các màu khác của nhân sinh, dáng tròn tượng trưng cho trời cao, có cạnh vuông tượng-trưng cho đất rộng vậy, đó cũng đặng là cái hoài bảo lớn lao "đỉnh thiên lập địa" của bậc tượng-phu, hảo hán.
- Về Khăn chữ Nhất (–): trên cơ sở dụng Nho giáo trong trị quốc, thì không thể không nhắc tới Đức Khổng Tử, Khăn chữ Nhất phát sinh từ câu: «Ngô Đạo Nhất dĩ quán chi» 吾 道 一 以 貫 之 (Luận Ngữ, 4, 15): nghĩa là Đạo ta, có thể thâu tóm bằng chữ Nhất. Như vậy, Nhất đây là thuyết: Thiên địa vạn vật đồng nhất thể. Chữ Nhất (–) chỉ có một nét ngang rất dễ nhớ nên khi lồng vào cái khăn, đội ở trên đầu, để ai ai cũng luôn nhớ, và nếu không trông thấy được ở trên đầu mình, thì cũng nom thấy chữ Nhất ấy trên trán của mọi người xung quanh. Như vậy, ai đã nom thấy chữ Nhất, đã đặt chữ Nhất trên đầu, thì phải nhớ ngay đến bốn chữ Nhất Di Quán Chi| 一 以 貫 之 Đạo chỉ có một mà bao trùm tất cả, thực là cao siêu rộng lớn, vô thỉ vô chung, cả đất với sông núi, cỏ cây, rừng sâu biển rộng, và cả loài Người, khôn ngoan, sáng láng đứng đầu trên vạn vật. Hiểu thấu được cái Đạo bao trùm cả Thiên-Địa-Nhân thì con người sẽ hoàn toàn siêu việt đạt tới Chân-Thiện-Mỹ. Cho nên Vua chúa hay con dân nước Nam đội trên đầu cái khăn chữ Nhất để nhắc nhở từ Quân Vương trở xuống phải theo cái Đạo Nhất Di Quán Chi cao cả ấy, lấy giang sơn làm trọng, lấy dân tộc làm quý, và phải lo cho nước mạnh dân giàu.
- Về Khăn chữ Nhân (人): Nhân là Người, mà đã là Người, vẫn theo nền tảng Nho gia, thì muốn xứng đáng làm con người thì phải có Tam Cương (Quân-Sư-Phụ) và Ngũ Thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín). Tiền nhân của chúng ta đội cái khăn chữ Nhân ở ngay giữa trán trên đầu, nơi cao quý nhất của một thân người, là có ý nhắc nhở ai nấy, lúc nào cũng phải xử sự cho ra con người, lấy Tam Cương và Ngũ Thường làm căn bản. Bởi vì, giữa mọi người với nhau cho dù ở tầng lớp nào, trình độ nào thì nếu có Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, thì làm gì còn có những chuyện hà hiếp bóc lột lẫn nhau, thì làm gì còn có những chuyện lừa thầy phản bạn, bội nghĩa vong ân, trốn chúa lộn chồng, bỏ vợ lìa con. Một xã hội nói riêng mà cả nhân loại nói chung, có Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, thì hẳn lúc nào cũng an lành vui vẻ, làm gì có chuyện chiến tranh khốc liệt, thế giới sẽ hoàn toàn hạnh phúc và hòa bình.
3. KẾT
Người đời nay ham thích những cái hào nhoáng cho là trẻ trung năng động, rất ít ai xử dụng và còn hiểu đúng cái bộ quốc-phục cho chính thống. Văn hóa xưa, cổ phong nước nhà dần mai một cũng bởi thái độ, suy nghĩ rời xa quá khứ, hiện đại hóa đến mức làm mất dần bản sắc của dân tộc. Hy vọng cùng vớn làn sóng phục dựng có phần tích cực, mạnh mẽ như hiện nay sẽ dần làm sống lại Văn hóa xưa, tái hiện được vẻ đẹp tú lệ của Khăn Áo nước Nam ta, vốn làm nên bản sắc ngàn đời của Cha Ông đã gìn công gắng sức đánh đổi bằng xương máu mới gây cơ dựng nghiệp được.
Nguồn: Cậu Trung