Công chúng dễ dàng nhận ra và bị cuốn hút trong những bức tranh "vẽ lại tranh dân gian" của Xuân Lam, đang được triển lãm tại không gian nghệ thuật đương đại của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Ở triển lãm Vẽ lại tranh dân gian lần 2 với tên gọi Cuộc gặp gỡ xưa - nay, Xuân Lam tiếp tục vẽ lại một loạt tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, và cả tranh dân gian của tỉnh Nghệ An theo phong cách đương đại.
Ngoài các bức tranh về con vật, Xuân Lam dành nhiều sáng tác cho những nhân vật nữ như Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Trưng, Bà Triệu, tố nữ.
Miệt mài với con đường riêng của mình mấy năm qua, họa sĩ lứa tuổi 9x trung thành với các mẫu tranh dân gian nhưng "bóp" lại các đường nét và hòa sắc, khiến các bức tranh dân gian trở nên sống động trong diện mạo tươi mới, bắc nhịp cầu mời gọi công chúng trẻ hôm nay bước tới những đẹp đẽ của cha ông bằng cách tạo hình nhân vật theo thẩm mỹ đương đại.
Các sáng tác của Xuân Lam không chỉ dừng lại ở trong các phòng trưng bày, các không gian nghệ thuật công cộng, mà đã len lách tới đời sống của nhiều bạn trẻ qua các sản phẩm ứng dụng như thời trang, sổ sách, bưu thiếp…
Một điểm đặc biệt nữa của triển lãm lần này là các bức họa đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một bức tranh khi tác giả làm điêu khắc cho tranh trên những bức tường trắng của bảo tàng.
Không còn là những bức tranh trên không gian hai chiều, lần này tranh được Xuân Lam "đổ khuôn" 3D lên chất liệu xốp, được xử lý đặc biệt trở nên rắn như gỗ, rồi gắn trên tường - một dạng phù điêu đặc biệt, gần giống với thể loại nhiếp ảnh phù điêu mà nghệ sĩ Thế Sơn - thầy của Xuân Lam ở ĐH Mỹ thuật Việt nam - theo đuổi nhiều năm nay.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế bình luận rằng điều lớn nhất mà triển lãm này làm được là "tạo ra một không gian cho cuộc đối thoại đẹp đẽ giữa truyền thống và hiện đại".
Ông đánh giá việc lựa chọn "cộng sinh" với di sản truyền thống của Xuân Lam là một lựa chọn đúng đắn bởi nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng của Việt Nam chỉ có thể đối thoại bình đẳng với nghệ thuật thế giới khi bám rễ bền chắc vào di sản văn hóa dân tộc.
Triển lãm của Xuân Lam chính là triển lãm khai trương Không gian Nghệ thuật Đương đại tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bà Nguyễn Hải Vân - giám đốc bảo tàng - cho biết triển lãm dự kiến kéo dài 6 tháng hoặc 1 năm.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Xuân Lam hiện là hoạ sĩ, nhà thiết kế tự do. Với kiến thức và kinh nghiệm về đồ hoạ tích luỹ được từ quá trình tự học, cùng sự đào tạo bài bản trong chuyên ngành Hội họa tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam, các sáng tác của Xuân Lam thường xoay quanh chủ đề đặc trưng văn hóa Việt Nam thông qua góc nhìn, cách thể hiện mới.
Xuân Lam sử dụng các chất liệu đa dạng và độc đáo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Các dự án và tác phẩm tiêu biểu của Xuân Lam như Vẽ lại tranh dân gian (2017), tác phẩm Tuần lễ thời trang phố cổ trong dự án nghệ thuật công cộng tại phố Phùng Hưng (2018), hay gần đây là tác phẩm Mảnh thời gian nằm trong dự án nghệ thuật trong Nhà Quốc hội (2018).
Một số tác phẩm trong triển lãm Cuộc gặp gỡ xưa - nay của Xuân Lam: