Cho thuê áo dài cưới, bưng quả, lễ tân, áo dài chụp ảnh, áo dài cho mẹ, vest nam, việt phục, áo bà ba, trang phục kỷ yếu số lượng lớn nhất TPHCM

nguồn gốc áo dài việt nam

Nguồn gốc của áo dài Việt Nam có từ khi nào, bắt nguồn từ đâu

ÁO NGŨ THÂN LẬP LĨNH (TIỀN THÂN CỦA ÁO DÀI)

Ngược dòng lịch sử vào năm 1545, Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ vùng Thuận Hóa, mở rộng bờ cõi về phía nam và hình thành Đàng Trong. Kể từ đó các chúa Nguyễn đã ra sức tạo lập cơ đồ riêng độc lập với Đàng Ngoài và nuôi mưu đồ xưng hùng xưng bá.
Tuy nhiên Đàng Trong là khu vực mới khai phá với tính chất đa sắc tộc hơn hẳn Đàng Ngoài nên các dạng trang phục của người dân Đàng Trong cũng rất đa dạng, có sự ảnh hưởng từ dạng trang phục người Chăm, của người Thượng vùng Tây Nguyên...
Tới năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát với tâm lý muốn độc lập hoàn toàn tạo một cõi giang sơn riêng biệt, bên cạnh các cải cách về chính trị - xã hội ông cũng tiến hành cải cách trang phục nhằm xóa bỏ "Thói tục hủ lậu" của Đàng Ngoài
Cuộc cải cách trang phục này rất lớn và có tác động sâu sắc tới xã hội Đàng Trong
Trong "Phủ Biên tạp lục" Lê Qúy Đôn có viết:
"Năm thứ 5 niên hiệu Cảnh Hưng (1744), Hiểu quốc công (Chúa Phúc Khoát) nhân lời sấm truyền của người Nghệ An rằng 8 đời quay về Trung Đô liền nghĩ từ đời Đoan quốc công (Nguyễn Hoàng) đến mình đã vừa đúng tám đời, bèn xưng vương, sai lấy thể chế áo mũ trong sách Tam tài đồ hội làm mô thức lệnh cho các quan võ từ chưởng dinh đến cai đội, quan văn từ quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo đều tuân theo kiểu dang màu sắc quy định, áo đều dùng đoạn màu, người sang dùng Mãng bào co thêu hoa văn sóng nước, mũ trang sức bằng vàng bạc. Lại lệnh cho trai gái hai xứ (Thuận Hóa, Quảng Nam) đổi dùng quần áo Bắc quốc để tỏ sự thay đổi. Đến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay giống áo nam giới thì Bắc quốc không như vậy. Hơn ba mươi năm người ta đều quen, quên hết cả tục cũ."

"Đại Việt sử ký tục biên" lại chép:
" Lại nhân có người truyền đọc câu sấm rằng tám đời quay về trung đô, chúa bèn đổi phong tục, đổi y phục, hạ lệnh cho quan dân hai xứ Thuận Quảng đều ăn mặc theo thể chế nhà Minh, để cả nước cùng đổi mới."

Trong "Gia Định thành thông chí", Trịnh Hòa Đức viết:
"Năm Mậu Ngọ, Thế Tông Hiếu Võ Hoàng đế nguyên niên, cải định sắc phục, quan phục của văn võ bá quan tham chước các đời Hán Đường đến chế độ Đại Minh và kiểu dáng của chế độ mới (nhà Thanh) như trang phục của các phẩm quan dựa theo hội điển ban hành ngày nay, văn chất đã đủ đầy.Trang phục nhà cửa đồ dùng trong dân gian đại để như chế độ Đại Minh, xóa hết thói tục hủ lậu của Bắc Hà, trở thành một nước áo mũ văn hiến.

"Đại Nam thực lục" viết:
"Chúa cho rằng lời sấm có nói tám đời trở lại trung đô, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới, châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ, văn quan từ quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo; võ từ chưởng dinh đến cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng Mãng bào hoặc gấm đoạn theo cấp bậc. "

"Dã sử lược biên Đại Việt quốc triều Nguyễn thực lục" viết:
"Chúa cho rằng lời sấm cổ có nói tám đời quay lại trung đô, tính từ thời Thái tổ (Nguyễn Hoàng) tới nay vừa đúng con số ấy, bèn thay y phục, đổi phong tục, cùng dân đổi mới, bắt đầu hạ lệnh cho nam nữ sĩ thứ trong nước, đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi quần chân áo chít bắt đầu từ đây. Trang phục nhà cửa đồ dùng hơi giống thể chế Minh Thanh, thay đổi hết cả thói cũ hủ lậu của Bắc Hà, thay đổi quan phục tham khảo chế độ các triều đại Trung Quốc, chế ra phẩm phục Thường triều, Đại triều, lấy làm mô thức, ban hành trong nước, văn chất đủ vẻ, trở thành nước áo mũ văn vật vậy"

Tổng hợp các ghi chép trên có thể thấy cuộc cải cách trang phục năm 1744 là cuộc cải cách rất lớn có tác động sâu sắc tới đời sống người Đàng Trong với nội dung chủ đạo là bỏ các dạng trang phục của Đàng Ngoài mà thay vào đó là các dạng trang phục phỏng theo chế độ cổ Hán - Đường và Minh - Thanh đương thời đối với qúy tộc hoàng tộc, quan lại. Còn dân gian thì sử dụng các dạng trang phục phỏng theo trang phục cuối Minh - đầu Thanh đương thời, với sự biến dị nhỏ là áo của nữ cũng ngắn và có ống tay áo hẹp như của nam.

Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước đã kế thừa sự cải cách trang phục của chúa Nguyễn. Tuy nhiên có một điều khá thú vị đó là từ khu vực Huế trở vào Nam người dân đã quen rất nhanh với trang phục mới, thì trái lại ở miền Bắc người ta vẫn giữ các phong tục ăn mặc cũ tới tận thời nhà Nguyễn và thậm chí là thế kỷ 20, ví dụ phụ nữ miền Bắc vẫn mặc áo tứ thân với váy và yếm, bọc tóc trong khăn hoặc đội khăn mỏ quạ.

Tới năm 1836 - 1837 vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc Hà tận mắt nhìn thấy người dân Bắc vẫn giữ kiểu ăn mặc cũ đã quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để.
Theo đó Minh Mạng ra lệnh cấm áo tứ thân, váy đụp, cấm áo giao lĩnh, khố vải, thắt lưng vải, cấm cả các dạng tiện phục thời Lê Trung Hưng như mũ Bình Đính, Mã vĩ, khăn vuông, khăn bọc tóc....

Tuy vậy hết hời Minh Mạng chính sách cải cách trang phục lại không được tiếp tục nữa và các dạng trang phục cố cựu của Bắc Hà vẫn tiếp tục tồn tại nhưng lại có sự tiếp thu sửa đôi với trang phục miền Trung và Nam.


ÁO DÀI LEMUR CỦA CÁT TƯỜNG 1930

Vào những năm đầu thập niên 30, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Pháp thành lập (nay là Trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội), họa sĩ Cát Tường cùng với nhóm Tự lực văn đoàn là người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống với phương châm: “Quần áo tuy dùng để che thân, song nó là tấm gương ngoài phản chiếu ra cái trình độ, trí thức của một đất nước"
Ông thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo ngũ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi. Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn, điểm chia hai tà áo trước - sau cũng trễ dưới eo độ 8 cm. Điều khác biệt nhất là eo áo được nhấn nhẹ. Áo này khi mặc lên hơi sát vào bụng, nên trông như ngực nở ra. Đó là nét mỹ thuật Âu Tây đầu tiên được đưa vào y phục phụ nữ Việt mà cũng vì chuyện này từng gây phản ứng mạnh một thời trong dư luận. Tuy nhiên, áo dài Le Mur có nhiều biến cải mà nhiều người thời đó cho là "lai căng" thái quá, như áo may ráp vai, ráp tay phồng, cổ bồng hoặc cổ hở. Thêm nữa áo Le Mur mặc cho đúng mốt phải với quần xa tanh trắng, đi giày cao, một tay cắp ô và quàng vai thêm chiếc bóp đầm. Lối tân thời này tuy được nhiều người yêu thích nhưng cũng đã bị một số dư luận khi đó tẩy chay và cho là "đĩ thõa" (như được phản ảnh không hề thiện cảm trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng).

ÁO DÀI LÊ PHỔ (1934)

Họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo dài “Le Mur” theo cách riêng của ông là dung hòa giữa váy phương Tây với áo ngũ thân truyền thống.
Lê Phổ đã bỏ kiểu tay phồng, rồi may cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn… Kiểu áo dài của ông rất được đón nhận, đặc biệt tại Hội chợ Nữ công Đà Nẵng. Trong suốt gần 30 năm, kiểu áo dài đó không thay đổi nhiều ngoại trừ cổ áo, gấu áo, eo áo: lúc cao, lúc thấp, lúc hẹp, lúc rộng… lưng áo cũng thay đổi từ to bản luồn dải rút đổi sang lưng nhỏ, cài khuy rồi kéo khóa theo kiểu phương Tây.

Thập niên 1940 -1950 là thời kỳ chiếc áo dài của nữ được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là đẹp nhất trong các giai đoạn phát triển lịch sử.
Các thợ máy lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người, sườn áo dài bắt đầu được may có eo, thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo. Áo mang nét thanh thoát mà vẫn tôn dáng người mặc.
Có thể nói, lúc này áo dài đã bắt đầu có những nét mới, cải tiến để phù hợp với dáng người mặc. Nhưng, những nét mới này được xem là sự bổ sung có chọn lọc để tôn thêm vẻ đẹp của người con gái Việt.

Trái ngược với sự hưng thịnh của áo dài nữ, lúc này áo dài nam gần như bị lãng quên. Những chiếc áo dài thường ngày trước đây các cụ vẫn mặc đã mất dần. Hình ảnh những người đàn ông mặc áo dài hãn hữu lắm mới thấy trên đường phố.

ÁO DÀI BÀ NHU 1958

Cuối năm 1958 khi bà Trần Lệ Xuân còn tại vị Đệ Nhất Phu Nhân của nước Việt Nam Cộng Hòa, bà đã thiết kế ra kiểu áo dài cách tân mới bỏ đi phần cổ áo gọi là áo dài cổ thuyền, cổ hở, cổ khoét, dân gian gọi là áo dài Trần Lệ Xuân hay áo dài bà Nhu. Không chỉ lạ về mẫu áo, chiếc áo dài hở cổ còn được ‘phá cách’ với họa tiết trang trí trên áo: nhành trúc mọc ngược. Một số nhà phê bình phương tây cho rằng nó hợp lý với thời tiết nhiệt đới của miền nam Việt Nam. Nhưng kiểu áo này khiến những người theo cổ học lúc đó tức giận và lên án nó không hợp với thuần phong mỹ tục. Loại áo dài không có cổ này vẫn phổ biến đến ngày nay và phần cổ được khoét sâu cho tròn chứ không ngắn như bản gốc.

ÁO DÀI TAY RAGLAN 1960

Áo dài bắt đầu được may chít eo, cài khuy rất chặt, eo áo cắt cao lên, gấu áo lúc này cắt thẳng ngang và may dài gần đến mắt cá chân. Nhưng cách may này có một nhược điểm lớn là các nếp nhăn rất dễ xuất hiện ở hai bên nách.
Vì vậy, những năm 1960, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn đã đưa cách ráp tay raglan vào áo dài. Với cách ráp này, tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách. Tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông. Kiểu ráp này vừa giảm thiểu nếp nhăn ở nách, cho phép tà áo ôm khít theo đường cong người mặc, vừa giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt. Về màu sắc, lúc này áo dài màu trở thành thời thượng, trở thành biểu tượng cho phong cách trẻ trung năng động của những thiếu nữ hiện đại.
Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam đã được định hình và tiếp tục duy trì, phát triển tới ngày nay.