Cho thuê áo dài cưới, bưng quả, lễ tân, áo dài chụp ảnh, áo dài cho mẹ, vest nam, việt phục, áo bà ba, trang phục kỷ yếu số lượng lớn nhất TPHCM

Sự Thật và Ngộ Nhận Về ÁO Tứ Thân

  1. Ngộ nhận: Áo 4 thân là tiền thân của áo ngũ thân và áo dài ngày nay. Sự thật: Áo ngũ thân có nguồn gốc từ áo giao lĩnh 6 thân chứ không phải áo 4 thân.
  2. Ngộ nhận: Áo 4 thân là trang phục chính của phụ nữ Bắc Bộ trước thời Nguyễn. Sự thật: Trang phục chính của phụ nữ Bắc Bộ trước thời Nguyễn là áo giao lĩnh 6 thân. Áo 4 thân chỉ là cái áo khoác, là thứ phụ kiện khoác vào cũng được, không khoác cũng chẳng sao.
  3. Ngộ nhận: Chỉ có phụ nữ Bắc Bộ mới mặc áo 4 thân. Sự thật: Áo 4 thân hiện diện ở cả 3 miền, mặc bởi cả nam lẫn nữ.Tại cung đình triều Nguyễn, áo 4 thân đã được nâng cấp lên thành Nhật Bình mà ta biết. Thời Lê Trung Hưng, nam nữ Đàng Trong và Ngoài đều dùng áo 4 thân như áo khoác.
  4. Ngộ nhận: Áo 4 thân có cổ đứng như áo dài.Sự thật: Đó là phóng tác sau này do ảnh hưởng từ áo ngũ thân. Ngày xưa tứ thân không hề có cổ đứng.
  5. Ngộ nhận: Ảnh trắng đen phổ biến của phụ nữ nhà nông Bắc Bộ đầu thế kỷ 20 là áo 4 thân buộc vạt. Sự thật: Đại đa số là ảnh áo ngũ thân cổ đứng có vạt bị buộc lại chứ không phải áo 4 thân, vì nếu là áo 4 thân thì tà không giao nhau được.
  6. Ngộ nhận: Áo 4 thân buộc vạt là trang phục truyền thống của phụ nữ Bắc Bộ thời Nguyễn. Sự thật: Phụ nữ trung lưu Bắc Bộ thời Nguyễn vẫn mặc áo ngũ thân. Phụ nữ tầng lớp dưới đa số vẫn mặc áo 5 thân nhưng lại buộc vạt lại (tham khảo ảnh trắng đen)
  7. Ngộ nhận: Áo ngũ thân có từ thời Nguyễn. Sự thật: Thời Lê đã có giao lĩnh ngũ thân. Viên lĩnh ngũ thân thì có từ thời Lý- Trần. Ngũ thân thời Nguyễn là dạng lập lĩnh.


Ảnh: so sánh áo 4 thân buộc vạt phổ biến trên phim ảnh ngày nay với trang phục phổ biến của phụ nữ nhà nông Bắc Bộ thời xưa.

Thứ mà phần lớn phụ nữ nhà nông xưa mặc là áo 5 thân (có vạt giao nhau) chứ không phải 4 thân (vạt không thể giao nhau kể cả khi buộc lên).

Chỉ có ở ảnh cuối mới thấy có cô gái mặc áo 4 thân buộc vạt, và cô gái này lại đứng chung với 4 cô gái khiêng kiệu khác chỉ mặc yếm. Mình nghĩ đây là dạng trang phục thấp nhất dành cho những người làm việc hay đổ mồ hôi hoặc những nhà không có điều kiện không đủ vải để may ngũ thân. Và để ý rằng nó không có cổ đứng như trong phim ảnh ngày nay vì áo 4 thân truyền thống như Nhật Bình và Đối Khâm đều không có cổ đứng.